NHỮNG TIN TỨC MỚI NHẤT VỀ THỊ TRƯỜNG THỜI TRANG HI-TECH ĐƯỢC CẬP NHẬT LIÊN TỤC,CHỈ CÓ TẠI 24H.COM.VN
Người thành công, kẻ thất thế, người dẫn dắt thị trường, kẻ bị rơi lại vì hụt hơi hoặc không kịp nhận ra xu hướng tiêu dùng mới… Những “mảnh ghép” smartphone cho thấy bức tranh toàn cảnh làng di động toàn cầu trong năm 2012 nổi lên cuộc đua khốc liệt chưa từng thấy.
Apple lãi khủng nhờ iphone
Một năm kinh doanh hết sức thành công của Apple đã che lấp những nuối tiếc về một thời người dùng say lòng với những sản phẩm “Táo” mang trên mình thiết kế sáng tạo đột phá, cũng đồng thời xua đi những hoài nghi về một Apple thời “hậu Steve Jobs”. Kết thúc năm tài khóa 2012, Apple lãi 41,7 tỷ USD trên tổng số doanh thu khổng lồ 156, 6 tỷ USD. Theo hãng nghiên cứu Statista của Đức, mức lãi “khủng khiếp”của Apple lớn hơn tổng số tiền kiếm được của Microsoft, eBay, Google, Yahoo, Facebook và Amazon. 6 “đại gia” này có tổng số lãi bằng 34,4 tỷ USD, còn thua kém Apple tới hơn 7 tỷ USD.
Dĩ hiên, lợi nhuận của Apple chủ yếu đến từ mảng kinh doanh thiết bị di động, và iPhone chính là “mỏ vàng” đem về siêu lợi nhuận cho Apple. Theo báo cáo tài chính quí 4 củ hãng (kết thúc ngày 30/9), với sự đống góp của iPhone 5, dù mới chỉ ra mắt cuối tháng 9, doanh số iPhone thực tế vượt quá kỳ vọng của giới phân tích, tăng 58% so với quí trước, đạt 26,9 triệu máy. Mất hai năm để ra mắt iPhone 5, dù không có những đột phá như những thế hệ ra đời dưới triều đại Steve Jobs nhưng cũng đủ độ “hot” để vượt mốc 5 triệu máy bán ra trong 3 ngày đầu tiên lên kệ. Đóng góp quan trọng vào kết quả kinh doanh của Apple phải kể đến hệ thống phân phối cùng mạng lưới cửa hàng phủ rộng toàn cầu và hệ sinh thái khép kín củ hãng khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải thèm muốn.
Năm qua, Apple còn giành lợi thế trước đối thủ chính Samsung trên mặt trận pháp lý. Phiên tòa lớn nhất trong năm của làng công nghệ đã kết thúc tại Mỹ với phán quyết Samsung phải chi trả hơn 1 tỷ USD bồi thường cho Apple vì hãng Hàn Quốc đã sao chép thiết kế và tính năng của iPhone và iPad. Còn Tòa án Hà Lan thì ban hành lệnh cám bán một số sản phẩm dòng Galaxy của SamSung do vi phạm sáng chế thuộc quyền sở hữu của Apple.
SamSung thắng lớn nhờ Galaxy
Dù không có lãi khủng nhưng 2012 là một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển của nhà sản xuất hàng điện tử Hàn Quốc. Tháng 4/2012, SamSung chính thức lật đổ ngôi vương kéo dài 14 năm của Nokia, trở thành “vua” mới của làng điện thoại di động. Liên tục tăng tốc trên thị trường smartphone, Samsung ngày càng bỏ xa Apple về doanh số. Số liệu mới nhất trong quí 3/2012 của IDC cho thấy doanh số bán smartphone của Samsung đạt 56,3 triệu chiếc chiếm 31,3% thị phần, cao gấp đôi Apple với 26,9 triệu iPhone được bán ra, giữ 15% thị phần. Theo báo cáo của Strategy Analytics, trong quí 3/2012, trước khi iPhone 5 lên kệ, Galaxy S3 đã qua mặt iPhone để trở thành smartphone bán chạy nhất, điều mà không có nhà sản xuất di động nào dám mơ tới. Apple bán ra 16,2 triệu chiếc iPhone 4S, trong khi SamSung phân phối được 18 triệu chiếc Galaxy S3.

Không “dại” gì cho ra lò những sản phẩm thiếu bản sắc như nhiều hãng sản xuất điện thoại Android khác, chiến thuật “đỉnh” với dòng Galaxy S của Samsung đã đem lại thành công ngoài mong đợi cho kẻ đến dự tiệc Android muộn. Galaxy Note với màn hình quá khổ trên 5 inch cũng là một bước đi quan trọng theo hướng phân khúc cao cấp cho dù Dell tiên phong và đã thảm bại với Streak. Dù thiết bị lại của Samsung không phải dành cho số đông nhưng nó thực sự đã thành công khi gây ra cơn sốt tiêu dùng. Samsung không chỉ tập chung vào cuộc chiến trên “đỉnh”, dải sản phẩm của hãng mở rộng bao trùm nhiều phân khúc thúc đẩy doanh số vượt trội so với bất cứ hãng di động nào.
Chưa đạt tới tầm công ty sáng tạo như cách Apple tạo ra những “siêu phẩm” mới iPod, iPhone, iPad, hay Sony với máy nghe nhạc Walkman “luôn đi trước thời đại” nổi tiếng một thời…; nhưng chiến thuật “học” và đuổi theo đối thủ của Samsung đem lại hiệu quả chóng vánh, cho dù vì thế mà dẫn tới những rắc rối về mặt pháp lý với Apple. Thực ra nhà sản xuất Hàn Quốc cũng có những sáng tạo theo cách riêng như bút trâm dùng cho màn hình lớn của Galaxy Note, hay Galaxy S3 có khả năng tự nhận biết để không tắt màn hình khi camera nhận ra mắt của người dùng đang chăm chú nhìn vào màn hình…
Nói đến thành công củ Samsung không thể không nhắc đến sức mạnh của đồng tiền cùng chiến lược tiếp thị hợp lý. Người ta ước tính Samsung chi 12 tỷ USD cho các hoạt động quảng cáo trong năm 2012. Với tình thế hiện nay, giới quan sát cho rằng chỉ mình Samsung là đủ sức đấu với Apple, và 2013 được dự báo sẽ diễn ra cuộc chiến lớn hơn giữa một bên là công ty công nghệ giá trị nhất thế giới và bên kia đang nắm bửu bối cung cấp chip cho thiết bị di động của đối thủ.
HTC thảm bại dù liên tục ra smartphone “đỉnh”

Dẫn đầu thị trường smartphone Mỹ trong quí 3/2011, HTC tụt dốc không phanh dù vẫn liên tục tung ra hàng “đỉnh” như HTC One X – mẫu smartphone liên tục lọt vào top điện thoại bán chạy nhất trong tháng; HTC Droid DNA – thiết bị di động đầu tiên hỗ trợ xem video full HD 1080p; HTC 8X chạy Windows Phone 8 có thiết kế không thể chê… Sự sa sút trong kinh doanh của nhà sản xuất Đài Loan được ví như thảm họa của năm, khiến giới quan sát ngơ ngác không hiểu lý do tại sao. Trong năm qua, doanh số bán smartphone của HTC đã mất tới 36%. Doanh thu tháng 10/2012 của HTC giảm tới 19% so với tháng trước đó và 61% so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Phải chăng HTC thiếu sách lược tiếp thị, hay tại đầu tư dàn trải với số lượng chủng loại điện thoại quá nhiều? Chủ tịch bộ phận Kinh doanh và tiếp thị toàn cầu của HTC đã phải thừa nhận, Samsung dễ dàng qua mặt HTC là nhờ khoản chi quảng cáo gấp 4-6 lần so với HTC. Tuy nhiên, gạt vấn đề sản phẩm và tiếp thị qua một bên, một điều dễ nhận thấy là HTC không dễ gì xây dựng ngay được hệ thống phân phối toàn cầu như những hệ thống đã góp phần quan trọng đem lại thành công cho cả Apple và Samsung.
Khốn khó bán cả trụ sở, Nokia gửi “mệnh” vào Windows phone

2012 là một năm khó khăn chồng chất cho Nokia. Nhà sản xuất Phần Lan buộc phải ra quyết định sa thải thêm 10.000 nhân viên (nâng tổng số việc làm cảu hãng bị cắt giảm lên 40.000, tính từ năm 2010), đóng cửa một số nhà máy và trung tâm nghiên cứu, bán thương hiệu diễn thoại cao cấp Vertu. Thua lỗ triền miên, mới đây Nokia đã phải bán cả trụ sở chính để nhận về khoảng 222 triệu USD trong cơn khốn khó.
Mất ngôi vương vào tay Samsung, mảng kinh doanh chính smartphone không được như mong đợi, nhà sản xuất Phần Lan quyết bỏ rơi nền tảng Symbian hướng sang Windows Phone như là “phao” cứu cánh. Theo lời khẳng định của CEO Stephen Elop trước các nhà đầu tư hồi giữa năm, chiến lược cạnh tranh của Nokia với điện thoại Android là những chiếc Windows Phone giá thấp khoảng dưới 5 triệu đồng, tầm Lumia 620 trở xuống. Ở phân khúc cao cấp, Lumia 920 có nhiều tính năng cho thấy đây là địch thủ đáng gờm cho bất cứ chiếc điện thoại “đỉnh” nào. Tuy nhiên, vấn đề của Nokia là nền tảng. May mắn là Windows Phone 8 rốt cục cũng đã được Microsoft cho ra lò. Thực tế chỉ sau 20 ngày lên kệ tại Mỹ, Lumia 920 đã cháy hàng với hơn 2,5 triệu đơn đặt hàng. Chưa rõ điện thoại Windows Phone có cứu vớt nổi số phận cựu vương hay không, nhưng hiện Nokia sắp bị loại ra khỏi danh sách 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Lượng smartphone Nokia bán được trong quí 3/2012 còn ít hơn cả Lenovo. Giới quan sát đang dõi theo số phận của cựu vương với lá bài ngửa cầm chặt trong tay, Windows Phone 8.
BlackBerry dần trở lại
Cũng như Nokia, nhà sản xuất điện thoại BlackBerry một thời lừng danh đang trong cơn túng quẫn khi liên tục đối mặt với các khoản thua lỗ ngày càng lớn. BlackBerry đã từng là cái tên “hot” được giới doanh nhân ưa chuộng đang thu hẹp dần thị phần trước sức ép ngày càng tăng của iPhone và binh đoàn Android lớn nhanh như thổi. Trong nỗ lực đảo ngược tình thế, cuối năm ngoái RIM đã công bố nền tảng BlackBerry 10. Hồi tháng 5/2012, trong khuôn khổ sự kiện BlackBerry World 2012 diễn ra tại Mỹ, RIM đã trình diễn cho các nhà phát triển toàn cầu xem những nét quan trọng của BlackBerry 10, nhưng không trình ra được bất cứ một mẫu điện thoại nào cho nền tảng mới. Bước ngoặt lớn là sự kiện ra mắt hệ điều hành BlackBerry 10, và điện thoại thông minh BlackBerry Z10 và Q10, nhưng vẫn còn phải chờ đợi xem phản ứng từ phía người tiêu dùng.
Trong nỗ lực tái cấu trúc, BlackBerry lên kế hoạch sa thải 5.000 nhân viên hồi tháng 6, xấp xỉ 30% trong tổng số 16.500 lực lượng lao động của hãng trên toàn thế giới. Hai nhà sáng lập công ty cũng là đồng CEO đã từ chức.
Và những kẻ bám đuôi
Cuộc đua Apple, Samsung và những kẻ còn lại đã tới vòng bứt phá. Theo số liệu thống kê của IDC trong quí 3, Sony đã vươn lên vị trí thứ 3, dù thị phần giảm xuống còn 4,8%, so với 5% cùng kỳ năm ngoái. Sau khi đã chi ra 1.05 tỷ USD mua hết 50% phần hùn của Ericsson, trong liên doanh Sony Ericsson, Sony đã chủ động hơn trong việc gắn kết hệ sinh thái với những sản phẩm, dịch vụ thế mạnh vốn có gồm máy tính, TV, máy chơi game console, dịch vụ trực tuyến nhạc, phim, game… Điện thoại Xperia của Sony dù không trang bị chip lõi tứ nhưng đã ghi đậm dấu ấn trên thị trường với những nét thiết kế mang bản sắc riêng.

Cùng với nền tảng Android phát triển nhanh, Google trở thành đối thủ nặng ký sau khi hoàn tất thương vụ mua lại Motorola Mobility trị giá 12,5 tỷ USD vào ngày 22/5. Chủ tịch công ty Eric Schmidt đã tuyên bố lý do Google cần có Motorola Mobility vì “phải cạnh tranh mạnh mẽ” trên thị trường đã có 480 triệu máy, với 1,3 triệu thiết bị Android kích hoạt mỗi ngày.
LG không phải là tay vừa khi vẫn cố đuổi theo nhóm trên. Nỗ lực của LG đã đem về khoản lợi nhuận từ mảng di động 18,6 triệu USD trong quí 3. Một sự tăng trưởng mạnh nếu so với mức lỗ 53,4 triệu USD của quí 2 hay 126,9 triệu USD của năm trước.
Các nhà sản xuất Trung Quốc ZTE, Huawei, Lenovo đang nổi lên như thế lực mới nhờ lợi thế thị trường nội địa lớn. Tuy nhiên, theo giới phân tích, nhận diện thương hiệu là điều mà các nhà sản xuất Trung Quốc cần lưu ý nếu muốn đua đường dài.
Lời kết
Cuộc đua smartphone đã tới vòng nghiệt ngã. Những tay đua kiệt xuất đang vượt lên bỏ lại sau lưng những kẻ hụt hơi, và không loại trừ sẽ có những kẻ “đứt gánh”. 2012 là năm sóng gió cho làng di động, nhưng 2013 hứa hẹn sẽ có bão. Apple và Samsung sẽ tiếp tục cạnh tranh quyết liệt trong việc “săn đuổi” người tiêu dùng. Trong khi các nhà sản xuất khác sẽ phải chật vật để tìm chỗ đứng cho mình. Tay chơi mới nào sẽ nổi lên? Kẻ yếu nào sẽ gục ngã?... mọi câu trả lời đang ở phía trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét